Rửa mặt là giai đoạn khởi đầu và kết thúc của việc chăm sóc da. Và rửa mặt cũng là phương pháp chăm sóc da đơn giản giúp cho da dẻ tươi tắn tức thì. Rửa mặt có thể tẩy bớt các mảng tróc da, các tế bào chết, để lộ ra lớp da bên dưới mịn màng hơn, kích thích sự sản sinh ra tế bào mới, giúp da sáng, bóng.
Hơn nữa, phải rửa sạch da thì mới có làn da khỏe được. Đặc biệt với loại da nhờn, cần phải rửa thật sạch các chất dơ, nếu không sẽ bị chứng hôi da, da bị tổn thương…
Nước vẫn là phương tiện đơn giản và quen thuộc nhất cho việc làm sạch da. Tuy vậy, không phải bất kỳ loại nước nào, cũng như không phải bất kỳ lúc nào nước cũng có hiệu quả tốt. Mọi thứ còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố như thành phần hóa học của nước, nhiệt độ và trạng thái hiện tại của da.
Chọn nước rửa mặt phù hợp với loại da
Thông thường, nước có 2 loại: nước cứng, nước mềm. Nước cứng là loại nước có chứa các hàm lượng khoáng, chủ yếu là muối Canxi, muối magiê. Nếu hàm lượng của hai chất muối này càng nhiều thì độ cứng của nước càng cao. Trong tự nhiên, nước giếng và nước suối là nước có độ cứng cao nhất. Nước có độ cứng trung bình: Nước hồ, sông. Nước có độ cứng thấp nhất là nước mưa, nước tuyết tan, nước sôi để nguội.
Việc sử dụng lâu dài nước cứng làm khô da, trầy tróc và phát sinh quá trình viêm nhiễm, nhất là các loại da khô, mỏng, nhạy cảm. Trường hợp phải sống ở dùng nước cứng, các bạn nữ có thể xử lý độ cứng của nước bằng cách đun sôi nước hoặc pha chế như sau: Cứ 1 lít nước giếng hoặc 1 lít nước suối hòa tan với ¼ muỗng cà phê nước soda hoặc 1 muỗng cà phê glyxerin là các bạn sẽ có thứ nước mềm cần thiết để rửa mặt. Đối với làn da nhạy cảm, các bạn có thể pha thêm vào nước sôi để nguội một lượng sữa tươi bằng phân nữa lượng nước. Nhiệt độ nước cũng rất quan trọng trong việc rửa mặt. Nước nóng, nước lạnh đều có ưu nhược điểm của nó.
– Nước nóng: Rửa mặt thường xuyên bằng nước nóng sẽ làm da khô hơn và dễ bị nẻ hơn hoặc làm giãn nở các mạch máu trên bề mặt da, gây trì đọng máu dưới da. Với thời tiết mùa đông, hiệu ứng này càng tác động xấu hơn, nhất là những bạn có da nhạy cảm, da khô. Riêng da nhờn, các bạn nên chọn cách rửa mặt bằng nước ấm vào buổi chiều có thể pha thêm chút dấm hoặc chút muối. Nhưng nhìn chung, nhiệt độ nước rửa mặt thích hợp hơn cả chính là bằng nhiệt độ trong phòng.
– Nước lạnh: Thường thì các bạn nữ cho rằng sử dụng nước lạnh rửa mặt sẽ giúp săn da, lỗ chân lông thu nhỏ lại. Thật ra, khi các bạn dùng nước lạnh rửa mặt sẽ gây ra hiện tượng dồn máu từ các huyết mạch trên bề mặt da, dẫn tới da bị thiếu máu, mạch máu co lại, chức năng hoạt động của các tuyến nhờn, mồ hôi bị sai lệch… làm da khô hẳn đi, chẳng những thế trên da còn xuất hiện các vết bầm đỏ. Da khô quá mức sẽ làm mất dần độ đàn hồi của da dẫn đến da sẽ bị lão hóa sớm.
Cần hạn chế rửa mặt bằng xà phòng vì xà phòng rất kén chọn nước. Nếu gặp nước cứng, xà phòng có tính kiềm cao, càng rửa càng khô, mốc, rít da tạo cảm giác rất khó chịu.
Số lần rửa mặt trong ngày?
Ngoài ra, các bạn cũng cần lưu ý đến số lần rửa mặt trong ngày.
– Đối với da khô, ngày nhiều nhất cũng chỉ rửa 3 lần, rửa bằng tay hoặc vải mềm, mịn, không nên dùng khăn chà sát vào da để tránh tình trạng phá hủy chất sừng bảo vệ mặt ngoài của da, hạn chế sự tổn thương da. Có thể dùng nước đun sôi với lá chanh quất để nguội rửa, sẽ giúp da bạn trở nên mềm mại, mịn màng và có tính đàn hồi cao hơn.
– Đối với da nhờn, bạn có thể rửa mặt nhiều lần trong ngày nhằm ngăn chất nhờn làm bít lỗ chân long sinh mụn.
Sau khi rửa, cần lau khô mặt, không nên để tự khô.
>>Đừng bỏ qua: Hướng dẫn các bước rửa mặt đúng cách hàng ngày (Sáng – Trưa – Tối)
Tự bào chế sữa rửa mặt tại nhà
Cách 1: Hòa bột mì với nước thành chất lỏng sền xệt, xoa lên mặt rồi rửa sạch, dùng cho da thường, da hỗn hợp.
Cách 2: Khoai tây sống, gọt sạch vỏ, xay nhuyễn, xoa lên mặt, lau lại bằng khăn ướt hoặc rửa sạch, sẽ làm lành các vết bầm.
Cách 3: Lấy 1 tách sữa chua hòa với 1 muỗng bột quả hạnh, xoa lên mặt, rửa sạch, dùng cho da bị nám.
Cách 4: Bột bắp hòa với nước, xoa lên mặt, dùng khăn lau sạch sau đó rửa lại bằng nước lạnh, giúp da mềm mại.
Cách 5: Vỏ chanh xoay nhuyễn hòa với nước cốt chanh, đậy kín, để khoảng nữa ngày xoa lên mặt, sau đó dùng khăn ấm lau sạch, dùng cho da thường hoặc da nhờn.
Cách 6: Hòa một muỗng canh bột yến mạch khô với nước ấm, xoa lên mặt, để hơi ráo, rửa sạch, giúp da mềm mại.
Cách 7: Thơm giã chung với cà rốt (lượng bằng nhau), xoa lên mặt, chờ khô, rửa lại bằng nước sạch, loại sữa này rất hợp cho da đã bị nám, giúp da tẩy sạch nám, da sẽ mịn màng trở lại.
Cách 8: Lấy ½ muỗng muối ăn hòa với một muỗng bơ thực vật trắng, xoa lên mặt, sau đó rửa lại bằng nước sạch, dùng cho da nhờn.
Cách 9: Lấy ½ muỗng hạt hướng dương xay nhuyễn với sữa tươi, xoa lên mặt, rửa sạch.