Hôi chân không được xem là một bệnh, nhưng lại là nỗi phiền muộn không nhỏ của nhiều người.
Mùi hôi ấy phát sinh ở gần bàn chân và giữa các ngón chân bởi 3 nguyên nhân sau:
– Bàn chân bị nhiễm bệnh như nhiễm trùng chảy, lở loét…, mùi hôi phát ra từ chính ổ bệnh đó.
– Người bị tăng tiết mồ hôi nên vùng chân cũng ra nhiều các chất hữu cơ như axit uric, axit lactic, phân hủy mạnh nên bốc mùi.
– Không chú ý vệ sinh sạch sẽ.
Muốn chữa trị hiệu quả phải xác định đúng nguyên nhân để xử lý phù hợp
– Do bệnh: Phải trị dứt bệnh mới có thể cải thiện được tình hình. Các bác sĩ da liễu sẽ khám bệnh và cho thuốc. Chú ý vệ sinh cá nhân sạch sẽ, hàng ngày rửa chân cẩn thận, mùi hôi sẽ mất dần.
– Do tăng tiết mồ hôi: Bôi loại thuốc chống ra mồ hôi như dung dịch formalin 5 – 10%, aluminium chloride 25% hàng ngày sẽ khiến mồ hôi giảm tăng tiết rõ, mùi hôi theo đó sẽ giảm dần. Trong trường hợp mồ hôi vẫn ra nhiều, bạn có thể gặp và trao đổi với bác sĩ ngoại khoa để nhận lời khuyên cần thiết.
– Do vệ sinh cá nhân cẩu thả: Chỉ có thể được khắc phục bởi chính bạn. Cần phải tạo cho mình thói quen vệ sinh cá nhân sạch sẽ, đúng nguyên tắc.
Phương pháp vệ sinh chân hàng ngày
#1. Thường xuyên giặt tất. Muốn giặt sạch mùi hôi ở tất thì phải ngâm tất trong nước ấm pha muối 15 – 20 phút, sau đó mới giặt bằng xà phòng thật sạch.
#2. Rửa chân nhiều lần trong ngày, nhất là buổi tối trước khi đi ngủ. Nếu chân bạn bị hôi thì rửa chân phải kỹ càng, dùng bàn chải kỳ cọ nhiều để loại bỏ lớp da chết, rửa xong phải lau khô ngay. Buổi tối nên ngâm chân trong nước muối loãng 5 – 10 phút sau khi đã rửa chân thật sạch để khử hết mùi hôi bám ở chân.
#3. Nên dùng lót giày chuyên dụng để phòng khuẩn và chống nấm. Có hai đôi lót giày để thay đổi thường xuyên càng tốt.
#4. Tránh dùng tất nilon vì loại tất này lưu mồ hôi, lại làm nóng chân nên mùi hôi càng nặng. Dùng tất cotton để có tác dụng thấm mồ hôi.
#5. Đến phòng làm việc nên đi dép lê để chân được thông thoáng. Nghỉ trưa nên tháo tất, rửa chân sạch sẽ.
#6. Có thể dùng phấn rôm rắc vào giày và thoa đều quanh các kẽ ngón chân trước khi đi, dùng giấy ăn hoặc giấy báo nhét vào mũi giày để hút mồ hôi. Cách này chỉ phát huy tác dụng trong trường hợp thời gian đi giày ngắn, và phải thường xuyên thay “đồ hút ẩm”.