Mỹ phẩm là con dao 2 lưỡi. Nó giúp làm đẹp phần nào nhờ tác dụng hóa trang (che, lấp các khuyết điểm và tôn thêm vẻ đẹp) nhưng nó cũng có thể làm cho da bạn trở nên xấu xí vì gây dị ứng, mụn, nám và nhiễm trùng lở loét… Vậy nên, việc nhận biết và hiểu được tác hại của các thành phần hóa chất trong mỹ phẩm có thể gây hại cho làn da thực sự là một vấn đề rất cần thiết cho tất cả các tín đồ làm đẹp.
Những trường hợp tai biến do dùng mỹ phẩm
1> Em là Nguyễn Thị Tuyết sinh viên ĐH Kinh tế, lâu nay em ít khi dùng đến mỹ phẩm. Thế nhưng, không biết suy nghĩ thế nào mà cô giáo khuyên nữ sinh viên phải trang điểm kỹ trước khi đi thực tế tại các công ty. Thế là mỗi ngày trước khi đi thực tế, em đã nhồi nhét không biết bao nhiêu thứ mỹ phẩm lên mặt: Trước tiên em rửa mặt bằng sữa rửa mặt vì em đã được phòng soi da khuyên dùng sữa rửa mặt của họ thay cho xà bông tắm, rửa lại bằng nước hoa hồng. Kế đến đánh lót bằng phần nước rồi phấn bánh, rồi thoa phấn trắng, phấn hồng, xong kẻ mặt, tô môi, dặm đi dặm lại, ngắm tới ngắm lui qua gương rồi lại chải tóc, xịt keo và đắm mình trong các mùi thơm của nước hoa, lẫn keo xịt tóc… Chưa hết, sau khi thực tập ở công ty về, em còn dùng kem tẩy trang, sữa rửa mặt và nước hoa hồng một lần nữa.
Kết quả lúc đầu cũng được nhiều người khen em đẹp nhưng một tuần lễ sau, mặt của em nổi đầy mụn, lở loét nhầy nhụa. Em vô cùng đau khổ, đã đi chữa trị nhiều nơi kể cả Bệnh viện Da liễu, dùng nhiều kháng sinh và thuốc đặc trị mụn có chất benzoyl peroxid mà vẫn chưa khỏi, nay mặt còn bị thâm nám nữa. Trong mỹ phẩm có chất gì mà độc dữ vậy? Giúp em với.
2> Em tên Hoa, thợ may, cùng 3 đứa bạn rủ nhau mua kem topsyne bôi mặt mỗi tối cho trắng da. Lúc đầu bôi hết 1 lọ thấy da trắng đẹp, nhưng khi bôi đến lọ topsyne thứ 2, thứ 3 thì đứa nào cũng bị phản ứng nổi mụn, ngứa lở khắp mặt. Đặc biệt mụn do topsyne cũng giống như do bôi cortibion: Mụn lấm tấm rất dày khắp mặt nhất là ở trán và hai bên má, có đứa bị dọc theo mí tóc. Có thể cho biết topsyne có chất gì tai hại vậy? Tại sao hãng mỹ phẩm lại dùng chất đó? Ngưng dùng mỹ phẩm mặt em có trở lại bình thường được không?
3> Tôi là Hồ Phương, 36 tuổi, hồi nào tới giờ chỉ bị vài nốt mụn trong những ngày sắp có kinh rồi thôi, nhưng thời gian gần đây sau khi uốn tóc cô thợ khuyên tôi massage mặt cho đẹp và hàng tuần tôi đã đến massage mặt vài lần. Thế là 3 tuần sau mặt tôi nổi đầy mụn bọc rất đau nhức, rửa mặt cũng bị đau. Con gái tôi 16 tuổi, sau khi học lớp trang điểm, có thực tập massage lẫn nhau nên nó và các học viên khác cũng bị nổi mụn. Bác sĩ da liễu bảo chúng tôi bị nhiễm trùng da. Có phải do kem bôi massage hay tại tay người massage dơ gây nhiễm trùng da sinh mụn?
Trên đây là 3 trong số hàng trăm trường hợp tai biến do dùng mỹ phẩm độc hại yêu cầu được giải thích.
Chất độc gì trong mỹ phẩm làm hại da?
Trước hết ta nên nhớ rằng làn da người không phải là một miếng gỗ để có thể mài nhẵn hay sơn phết theo ý muốn cho đẹp được, mà nó là cái màng sinh học có thể cảm nhận và phản ứng lại với những gì tiếp xúc được. Da được cấu tạo bởi vô số tế bào hợp thành, do đó phản ứng của da là phản ứng của những tế bào sống.
Muốn cho da tốt, đẹp thì không có cách nào khác hơn là ăn uống đầy đủ và cân bằng dưỡng chất để dòng máu đưa các dưỡng chất ấy đến nuôi da từng giây từng phút. Mỹ phẩm dưỡng da chẳng những không thể làm cho da tốt được mà còn hại da.
Mỹ phẩm dưỡng da tất nhiên phải chứa chất bổ cho da. Nhưng một chất bổ như sữa ong chúa, nhân sâm, protein thủy giải… nếu để qua 1 đêm sẽ thối ngay. Để tránh điều này tất nhiên trong mỹ phẩm phải chứa nhiều chất bảo quản chống nấm, chống vi trùng, thậm chí có cả kháng sinh trong đó. Những chất bảo quản này mạnh đến nỗi dù hộp mỹ phẩm có hở nắp hoặc bạn dùng tay dơ nhúng tới nhúng lui tức cấy vi trùng, nấm mốc lọt vào lọ mỹ phẩm đều chết, vậy da ta cũng là tế bào sống cũng bị chết nếu ngày nào cũng bôi trét mỹ phẩm độc hại lên da. Da chết thì bị khô, nám, co lại làm cho các lỗ chân lông là nơi mồ hôi nhờn thoát ra bị bít lại. Mồ hôi nhờn ra nhiều nhưng lỗ thoát bị bít nên đùn lại thành mụn trứng cá hay mụn cám, mụn tấm mà mỗi lỗ chân lông có thể nổi 1 mụn.
Ngoài ra, trên da thường còn có vô số vi khuẩn có lợi sống nhờ chất bài tiết của da và bảo vệ chống vi trùng lạ xâm nhập. Nếu bôi mỹ phẩm tức bôi chất chống vi khuẩn thường xuyên lên mặt sẽ giết chết hết các vi sinh vật có lợi đó, đến khi vi khuẩn độc xâm nhập sẽ dễ dàng bị nhiễm trùng hơn. Nếu sức đề kháng kém, vi trùng sẽ phát triển thành mụn bọc đầy mủ. Các hãng mỹ phẩm cũng biết điều đó nhưng tôn chỉ của họ là sản phẩm của họ không được hư để giữ uy tín. Vậy nên, để đảm bảo được sức khỏe làn da, bạn cần trang bị kiến thức và đọc kỹ các thành phần được in trên bao bì nhãn mác để có thể chọn mua sản phẩm phù hợp và an toàn cho mình.
Mỹ phẩm không làm cho da đẹp thật sự, thế mà nhiều người vẫn chạy theo cái đẹp hảo huyền này, để rồi “tiền mất tật mang”.
Massage là những động tác có ích phần nào cho da nhờ tăng cường sự lưu thông máu huyết (tự massage, xem thêm bài: Massage mặt có lợi và hại gì? Có nên massage mặt không?). Nhưng nếu nhồi nắn quá mạnh, quá kỹ trên làn da vốn rất mỏng manh, nhất là ở những người hơi có mụn, có thể làm vỡ nốt mụn hoặc tuyến bã ở các lỗ chân lông khiến rỉ dịch tế bào làm cho các vi khuẩn hiền lành sống nhờ ở da ăn nhằm chất máu mủ nên biến chứng thành độc và tấn công da (nhiễm trùng). Ngoài ra, trong kem massage thường có chứa chất làm mềm và gây ẩm như glycerin, lanolin… mục đích làm cho da trở nên mịn màng, bóng mượt sau massage. Nhưng chính sự thay đổi cơ cấu da như vậy, đối với khi hậu nhiệt đới Việt Nam lại thuận lợi cho sự phát triển của vi trùng. Bàn tay massage cho người này rồi bôi lên mặt người khác cũng là cách gieo rắc vi trùng. Cho nên sau massage mà bị mụn là lẽ đương nhiên vậy.
Các thành phần khác trong mỹ phẩm như các chất dưỡng da, chất mùi, chất màu, chất tạo pH, chất tạo dáng… cũng có thể có hại cho tế bào da hoặc gây dị ứng cho da. Xác suất gây dị ứng của một hóa chất là khoảng 1/20, nghĩa là bôi 20 chất lên da có thể bị dị ứng với 1 chất (dĩ nhiên lắm lúc chỉ bôi vài chất đã bị dị ứng rồi). Thế nhưng trong mỹ phẩm luôn chứa rất nhiều hóa chất độc hại nguy hiểm, thường là từ 10 – 15 hóa chất, điều này làm cho xác suất gây dị ứng lên: 1/20×10=1/2 nghĩa là dùng 1 – 2 loại mỹ phẩm đã có thể bị dị ứng rồi. Thế mà mỗi lần trang điểm các chị em dùng nào là sữa rửa mặt, nước hoa hồng, kem lót, son, phấn, masscara, dầu thơm, keo xịt tóc, chất tẩy trang… Đó là chưa kể tối ngủ còn dùng kem dưỡng da này nọ nữa. Sử dụng mỹ phẩm mỗi ngày kiểu này còn kéo theo một hậu quả khác nữa là “hao bạc” đến nỗi “quên đi” khẩu phần ăn vốn tối cần thiết để giữ gìn sức khỏe và sắc đẹp…
Người Pháp thường nói: Muốn đẹp thì phải trả một cái giá. Cái giá phải trả đó có thể là “tiền mất” vì tốn kém và cũng có thể là “tiền mất, tật mang” vì những phản ứng phụ. Chúng ta đã biết rằng mỹ phẩm chỉ công dụng về mặt hóa trang. Thỉnh thoảng đi đâu hóa trang một chút thì có thể được, còn nếu lạm dụng mỹ phẩm mỗi ngày, chắc chắn sẽ tổn hại đến làn da.
Có thể bạn quan tâm: